Không phải cứ mở rộng đường là giảm ùn tắc!

Hoàng Diệu

(Dân trí) - "Không phải cứ mở rộng đường là sẽ giảm ùn tắc. Giao thông hoạt động như dòng sông nhiều nhánh, muốn không tắc đường thì phải mở thêm nhiều đường nhỏ, không cần mở rộng đường lớn".

Đường Vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy luôn là một trong những trục đường "quá tải" hàng đầu tại Hà Nội với lưu lượng phương tiện khổng lồ cùng tình trạng tắc đường ngày một trầm trọng hơn. Do đó, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã có phương án đề xuất mở rộng tuyến đường này, đồng thời làm đường trên cao nhằm giảm thiểu tình trạng ùn ứ, tắc đường. 

Tuy nhiên, giải pháp này vấp phải không ít quan điểm phản đối.

Phân tích về vấn đề quy hoạch giao thông, độc giả Trai Nguyen gửi bình luận  về báo Dân trí nêu quan điểm: "Khái niệm cứ đường rộng sẽ làm giảm ùn tắc là cách nhìn phiến diện. Nguyên lý hoạt động của giao thông như dòng sông nhiều nhánh, nước sông cái to lớn chảy vào sông con nhỏ hẹp sẽ khiến nước sông con bị ngập ứ. Muốn không bị ứ thì phải có nhiều sông con. Giao thông đường bộ cũng vậy, chỉ cần mở thêm nhiều đường nhỏ sẽ giảm ùn tắc, không cần mở đường lớn". 

Không phải cứ mở rộng đường là giảm ùn tắc! - 1

Lối xuống Vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Trường Chinh thường xuyên ùn tắc, quá tải. (Ảnh: Hữu Nghị)

Tương tự, anh Phan Nguyen cũng cho rằng vấn đề nằm ở quy hoạch giao thông, không nằm ở chuyện kích thước đường xá. Người này viết: "Giờ mở đường cỡ nào cũng kẹt. Kẹt ở đây là kẹt nút thắt cổ chai, mỗi lần qua ngã tư là kẹt vì ngoài đi thẳng, người tham gia giao thông còn chuyển hướng, mà chuyển hướng thì phải cắt ngang đường thẳng trong khi chẳng ai nhường ai. Cứ lấn qua lấn lại như vậy là dẫn tới kẹt, mà kẹt một vài phương tiện là sẽ dẫn tới tắc nối dài. 

Bởi vậy, mỗi giao lộ cần có làn chuyển hướng hoặc đi thẳng cụ thể, tránh tình trạng làn đường hỗn hợp, dẫn tới xung đột tại giao lộ giữa các phương tiện. Đồng thời cần giám sát chặt chẽ, xử phạt nghiêm phương tiện dừng sai làn". 

Dưới bài viết " Bỏ nghìn tỷ để giải phóng, mở rộng mặt đường Láng là bất hợp lý" nhiều độc giả bày cùng tỏ quan điểm cá nhân là phản đối việc chi hơn 97% của dự án mở rộng đường Láng chỉ để làm công tác... giải phóng mặt bằng.

"Có mở rộng đường gấp 3, 4 lần thì cũng không theo kịp tốc độ phát triển của phương tiện cá nhân. Giải pháp tốt nhất là xây dựng tuyến Metro ngầm hoặc trên cao, người dân sẽ tự động không đi xe ra ngoài đường khi phương tiện công cộng thuận tiện. Hãy học hỏi ngay Singapore", người dùng Thanh Pham nêu bình luận. 

"Các lãnh đạo nên suy nghĩ rộng hơn, đừng theo kiểu truyền thống là đường hẹp thì mở rộng đường. Chi phí giải phóng mặt bằng quá lớn thì nên nghĩ thêm phương án khác. Tôi đề xuất đường Láng giữ nguyên và làm đường trên cao dọc đường Láng đến Cầu Giấy để khép kín đường trên cao hiện có, mở thêm các nhánh rẽ khác mức, cùng mức tại Ngã Tư Sở từ đường trên cao xuống đường Nguyễn Trãi, Tây Sơn để giảm ùn tắc", anh Pham Thuan gợi ý. 

Có chung quan điểm, độc giả Luong Dang cũng cho rằng vấn đề của tuyến Vành đai 2 là do tổ chức giao thông bất hợp lý, đặc biệt tại các điểm lên và xuống đường trên cao. Do đó, độc giả này cho rằng chỉ nên thông, nối tuyến trên cao, đi thẳng từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy và bỏ lối lên xuống tại Ngã Tư Sở. 

"Quá lãng phí khi bỏ ra số tiền lớn như vậy để làm gần 4 km đường. Hãy nhìn đường Nguyễn Trãi, sau bao lần mở rộng hết cỡ vẫn không giải được bài toán ùn tắc. Cốt lõi là phải giảm tải dân số thì tốc độ rất chậm chạp. Các cơ quan hầu như không chuyển ra ngoại thành được bao nhiêu, các trường đại học cũng vậy", ý kiến từ độc giả Hải Nguyễn Hồng.

Không phải cứ mở rộng đường là giảm ùn tắc! - 2

Nhiều giải pháp được đưa ra, song chưa thể giải quyết được tình trạng ùn tắc tại Vành đai 2 đoạn xuống Ngã Tư Sở. (Ảnh: Mạnh Quân).

Nên mở rộng, khai thác đoạn song song đường Láng

Bên cạnh những gợi ý về việc tổ chức giao thông, nhiều người dân tại Hà Nội còn đưa ra giải pháp về việc khai thác tuyến đường bên kia sông Tô Lịch để nhằm san sẻ gánh nặng với trục đường Láng. Chị Lan Giang viết: "Đường Láng có thể đổi thành đường một chiều, bên kia bờ sông Tô Lịch làm đường một chiều hướng ngược lại cũng được mà". 

"Tôi cũng nghĩ không nên mở rộng thêm đường Láng. Hiện nay đường Láng khá ổn, chỉ hơi đông chút, chưa tắc, mà mặt cắt đường đã rất rộng rồi. Sao không mở rộng nốt đường bên kia sông? Để rất lãng phí, giờ thành chỗ để xe hết, mà xã hội lại không sử dụng được, trông rất nham nhở, mất mỹ quan", độc giả Phượng Nguyễn tiếp lời. 

"Theo tôi nên làm đường sát mép sông Tô Lịch trừ vỉa hè, cây xanh là 3-5m. Diện tích đó đang dùng làm đường đạp xe đạp và đi bộ, nhưng không ai đạp xe đoạn ngắn như vậy, rất lãng phí. Còn lại có thể tính tới việc giải tỏa bên đường đối diện, sẽ đỡ tốn kém hơn nhiều", anh Nguyen Xuan Vuong nêu ra thực trạng và giải pháp. 

"Chi phí giải phóng mặt bằng lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng nghĩa sẽ phá dỡ rất nhiều nhà mặt đường dọc tuyến đường này. Vậy còn các tòa nhà cao tầng dọc tuyến đường này thì sao? Cơ quan quản lý định giải quyết như thế nào? Tại sao không tính tới phương án khai thác trục Giáp Nhất - Nguyễn Ngọc Vũ - Nguyễn Khang bên kia sông, chi phí giải phóng mặt bằng cũng sẽ ít hơn rất nhiều", độc giả Anh Tuấn đặt câu hỏi.